Cho thuê áo dài cưới, bưng quả, lễ tân, áo dài chụp ảnh, áo dài cho mẹ, vest nam, việt phục, áo bà ba, trang phục kỷ yếu số lượng lớn nhất TPHCM

ĐỪNG LẦM LẪN VỀ CÁCH GỌI CHUNG TÀ ÁO DÀI


Trong bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sỹ Thanh Tùng có đoạn:
“Tà áo em bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng
Tà áo em bay bay bay bay trên phố dịu dàng
Áo bay trên đường như mây xuống phố
Áo tung sân trường tựa cánh chim câu.”


Đã từng khiến nhiều người lầm tưởng “tà áo dài” là “chiếc áo dài”.

Để làm rõ nghĩa hơn về chi tiết nhầm lẫn thú vị đầy chất thơ này, tôi xin mượn cuốn từ điển tiếng Việt 1999-2000, của soạn giả Nguyễn Văn Đạm, NXB Văn hóa – Thông tin, trang 731 có giải thích như sau: Tà là phần dưới hai vạt trước và sau của áo dài.
Ví dụ: Tà áo lụa bay phất phơ trong gió.

Cách giải thích này cũng hơi khó hiểu về mặt kỹ thuật. Theo từ điển Hán – Việt phổ thông: Tà có nghĩa là lệch, vẹo, nghiêng, xiên, chéo. Trên trang phục áo dài, duy chỉ có phần vải bị xẻ từ hông xuống đến đuôi áo (gấu áo) dài mới được gọi là tà. Theo mẫu tự chữ Hán gần giống với chữ 八 (tám).

Để tiện hình dung, tôi xin trích một số câu ca dao tục ngữ có nhắc đến chữ “tà” này:

Trong “Đoạn trường tân thanh” có câu thơ:
“Bóng tà như giục cơn buồn (bóng tà tức là bóng nắng nghiêng của buổi chiều)
khách đà lên ngựa người còn nghé theo”.

Trong bài thơ “Màu tím hoa sim” của Nguyễn Hữu Loan, sáng tác năm 1949 có nhắc đến:
“Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu”...

Trong bài thơ “Tìm Huế” nhà thơ Huỳnh Minh Nhật viết có đoạn:
“Tà áo tím, trót thương tà áo tím
Nón ai nghiêng hờ hững đứng giữa dòng”

Hay “Huế – Tà Áo Tím” của nhà thơ Uyên Ương:
“Em gái Huế thướt tha tà áo tím
Dáng nhẹ nhàng loang cả bóng đường xưa
Nón nghiêng nghiêng che dáng nhỏ về trưa
Làn tóc xoã bồng bềnh theo cơn gió”!

Trong bài ca dao “Tát nước đầu đình” cũng có đoạn thơ tỏ tình rất ý nhị và nên thơ:
“Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ con chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.”

Để tiện so sánh, đối chiếu, tôi xin dẫn giải từ “trang phục”, “y phục” theo từ điển Hán Nôm như sau:

Trang phục hay y phục là những đồ để mặc như quần, áo, váy,... để đội như mũ, nón, khăn,... và để đi như giày, dép, ủng,... Ngoài ra, trang phục còn có thể thêm thắt lưng, găng tay, đồ trang sức,... Chức năng cơ bản nhất của trang phục là bảo vệ thân thể. Tiếp đó, trang phục cũng có chức năng thẩm mỹ, làm đẹp cho con người.

Vì những khác biệt văn hóa, trang phục của từng quốc gia, địa phương có những điểm khác nhau. Lý do xuất phát từ những khác biệt về lịch sử, trình độ văn minh, kinh tế, địa lý, khí hậu, tín ngưỡng, phong tục, tập quán... Trang phục cũng là thứ có thể giúp nhận biết đẳng cấp, giai cấp của người mặc.

Trang phục có thể chia thành nhiều loại:
• Lễ phục
• Trang phục truyền thống (như áo dài là trang phục truyền thống của người Việt)
• Trang phục dân tộc
• Trang phục thể thao
• Trang phục tôn giáo
• Trang phục lễ hội
• Trang phục sân khấu
• Trang phục trẻ em
• Quân phục
• Trang phục công an
• Trang phục theo mùa (như trang phục mùa đông, trang phục mùa hè,...)
• Trang phục công sở (như đồng phục,...)
• Trang phục đi biển

Y phục:
1. (Danh) Đồ mặc che nửa thân trên (để chống lạnh). Thường làm bằng vải, lụa, da thú, v.v. Trong Mao truyện 毛傳: “Thượng viết y, hạ viết thường” 上曰衣, 下曰裳. Đồ mặc che nửa thân trên gọi là "y", che nửa thân dưới gọi là "thường".
2. (Danh) Phiếm chỉ áo quần. Như: “y phục” 衣服 áo quần, “y bát” 衣鉢 cà sa và bình bát.

Qua cách mô tả trên, “tà áo” trong thơ văn, ca dao hay âm nhạc là cách gọi phiếm chỉ chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam, được xướng ngôn vào thời hiện đại, thế kỷ XX. Nó như muốn nói đến nét duyên dáng, thướt tha của người con gái và đẹp mỹ lệ, thanh tú như chính dáng người phụ nữ vận chiếc áo dài ấy. Nhưng xin đừng lầm, tà áo dài chỉ là một bộ phận, một thành tố cấu tạo nên chiếc áo dài mà thôi.

Với áo dài nữ, cách gọi là “tà áo” có thể châm chước được, nếu xét về phương diện biểu đạt mĩ cảm bởi văn học và nghệ thuật đã đưa chiếc áo dài hòa quyện vào vẻ đẹp đầy quyến rũ của phái nữ nhưng đối với áo dài nam năm thân truyền thống, người viết sách, làm báo và khi lập ngôn hết sức cẩn trọng với việc sử dụng chữ “tà áo dài nam”. Bởi nếu không, vô tình chung, sự thướt tha, duyên dáng, gợi cảm nữ tính lại truyền sang phái nam bởi cách dùng sai lạc.

Đối với nam giới, sự lịch lãm, đường vệ, oai phong và trang nghiêm là cốt cách, là điểm nhấn và đánh dấu sự khác biệt về thể vật lý, sinh học so với nữ giới. Hiện nay, dù kĩ thuật dệt vải đã đạt đến khổ rộng 1,5m, thậm chí còn rộng hơn, nhưng để tạo ra dáng đứng áo, người nghệ nhân may khâu áo dài nam vẫn phải tuân theo nguyên tắc truyền thống của cha ông mình là cắt vải theo nguyên tắc “ngang canh, thẳng sợi”, ghép viền và nối sống vải theo trục tung ở thân trước và sống lưng phía sau.
Từ khi chiếc áo dài năm thân ra đời thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1944) đến nay vẫn không thay đổi về tạo hình. Khác chăng chỉ là sự kế thừa, hoàn thiện đến độ tinh xảo mà thôi.

Vì áo dài nam năm thân (bộ thường phục) đã từng được nhà Nguyễn (1802 – 1945) mặc phổ biến trong các hoạt động tiếp xúc ngoại giao, đón tiếp các phái đoàn Pháp, Anh…và đã trở thành bộ Quốc phục (được toàn dân Đàng Trong và Đàng Ngoài chấp nhận mặc). Chính vì lẽ đó, chúng ta, những người Việt Nam yêu chiếc áo dài truyền thống, mong muốn tôn vinh Quốc hồn, Quốc túy, tôn vinh nét văn hóa giàu bản sắc dân tộc, phải định danh rõ ràng là “TRANG PHỤC” hay “Y PHỤC” áo dài một cách trang trọng như để khẳng định chủ quyền văn hóa cũng như thương hiệu áo dài Việt Nam mang giá trị phổ quát trên khắp toàn cầu.

Y phục áo dài nữ đã có sự cách tân vào những năm 1930 đến nay, biến đổi từ áo dài năm thân thành còn 2 thân, bó sát vào người mà tạo thành “vẻ đẹp Việt, một vẻ đẹp vừa trực quan sinh động vừa mơ màng, vừa như muốn giấu kín, nhưng cũng vừa như muốn phô ra tất cả đường cong cơ thể”.

Chính vẻ đẹp hư hư thực thực đó đã khiến nhiều người lầm tưởng, hiểu sai về cách gọi “tà áo dài nam năm thân”, trong đó đã từng có tôi.