Cho thuê áo dài cưới, bưng quả, lễ tân, áo dài chụp ảnh, áo dài cho mẹ, vest nam, việt phục, áo bà ba, trang phục kỷ yếu số lượng lớn nhất TPHCM

YÊU CHIẾC ÁO DÀI ĐỂ THÊM HIỂU MÌNH LÀ AI

Hiện trên mạng xã hội có một số người Việt Nam chưa nhận diện ra thế nào là trang phục áo dài truyền thống, thế nào là mốt tân thời. Tôi đành mượn “Những câu chuyện từ trái tim của cố GS. TS Trần Văn Khê (1921 – 2015), một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam để nói hộ lòng mình.

YÊU CHIẾC ÁO DÀI ĐỂ THÊM HIỂU MÌNH LÀ AI

Chiếc áo dài là Quốc phục của Việt Nam. Hình ảnh chiếc áo dài cũng đã trở thành biểu tượng của Việt Nam trong lòng bạn bè các nước. Tôi thích mặc áo dài vì không chỉ đó là phần hình thức trong việc biểu diễn vì rất phù hợp với âm nhạc dân tộc mà còn là trang phục tỏ ra bạn đang tham dự một lễ hội quan trọng nào đó.
Từ năm 1949, khi tôi mới rời Việt Nam sang Pháp, mỗi khi giới thiệu một chương trình âm nhạc truyền thống Việt Nam, với tư cách một diễn viên, tôi đều mặc áo dài, khăn đóng.
Chỉ trừ khi đi đờn ở một hiệu ăn ở Pháp để kiếm tiền học tiến sĩ là tôi không mặc áo dài, khăn đóng. Bởi tôi nghĩ, lúc đó, đờn là để mua vui cho thiên hạ, nếu mặc Quốc phục thì sẽ là sự sỉ nhục với chính Quốc phục.
Thuở đó, đại đa số người Việt Nam muốn bỏ hình ảnh của người Việt thời thuộc địa, nên khi thấy tôi mặc áo dài thì trong một trăm người, chỉ có một, hai người tán thành, còn lại thì phản đối.
Có người bạn lắc đầu, nói với tôi: “Bạn là người Tây học, bạn đang ở nước Pháp mà bạn mặc áo dài, chúng tôi có cảm giác bạn là người cổ lỗ, phong kiến, quan liêu hay lập dị, muốn người ta để ý đến mình. Bạn đờn rất hay, không lẽ mặc áo dài, khăn đóng thì sẽ đờn hay hơn khi mặc áo Âu phục?”
Tôi trả lời: “Tôi luôn nghĩ rằng khi giới thiệu một bộ môn nghệ thuật, ngoại hình phải đi đôi với nội dung. Áo dài là hình thức, tiếng đờn là nội dung. Nếu bạn tặng một bó hoa hồng thật đẹp mà bạn gói trong một tờ nhựt trình cũ có phải là không bằng gói hoa bằng một tờ giấy hoa có cột băng màu? Rượu sâm banh thật ngon mà bạn uống trong ly giấy sao bằng uống trong ly pha lê? Trà quý thay vì uống trong một chung nhỏ bằng đất nung lại uống bằng tô canh đá thì bạn thấy hương vị của trà có còn không? Như vậy bạn thấy, khi giới thiệu một nghệ thuật hay một nghệ phẩm thì nội dung và hình thức phải đi đôi với nhau. Vì vậy, tôi muốn khi giới thiệu âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam cũng phải có cả hình thức”.
Người bạn ấy không trả lời được nhưng vẫn lắc đầu không tán thưởng. Tôi bất chấp tất cả lời phê bình của các bạn gần xa, trong và ngoài nước về việc lần nào tôi biểu diễn nhạc dân tộc đều mặc áo dài, khăn đóng. Những lúc tôi biểu diễn cùng con trai, con gái tôi, các con cũng phải mặc Quốc phục. Và hình ảnh đó rất được người yêu nhạc nước ngoài, dân Âu hay Mỹ, tán thưởng, khen ngợi.
Tôi còn nhớ, vào tháng 6 – 1958, tại thính đường số 1 của UNESCO, ban tổ chức giới thiệu nhạc cổ điển Đông – Tây. Trong chương trình, có nhạc sư Yehudi Menuhin đờn violon những bài Sonate xưa của nhạc sĩ Johann Sebastian Bach, ông mặc lễ phục phương Tây, áo sơ mi có “plastron” (miếng cứng ở ngực áo), thắt nơ trắng. Nhạc sư Ấn Độ Ravi Shankar mặc lễ phục Ấn Độ đờn sitar. Nhạc sư Nhựt Bổn Yuize Shinichi mặc kimono đen lễ phục của Nhựt Bổn. Hai nhạc sư Ba Tư là Ebadi đờn setar (đờn khẩy 4 dây), và Malec đờn santour (loại dương cầm của Ba Tư dùng que để gõ, đờn có 72 dây) đều mặc lễ phục Ba Tư. Tôi được mời biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam trong chương trình đó. Nếu tôi không mặc áo dài, khăn đóng, bạn có thể tưởng tượng tôi sẽ xấu hổ tới đâu không?
Vì tôi nghĩ việc mặc áo dài, khăn đóng là đúng đắn nên tôi tiếp tục làm theo ý nghĩ và lương tâm của tôi, bất chấp những lời phê bình, chế nhạo.
Năm 1979, tôi được trường đại học Perth, vùng Tây Nam Úc, mời tôi thuyết giảng trong ba tuần lễ về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trưởng ban tổ chức Sir Franck Callaway có nói: “Buổi thuyết trình lần thứ nhứt có cả ban giám hiệu, toàn thể giáo sư và sinh viên của trường đến nghe. Hôm đó, giáo sư có minh họa lời thuyết giảng bằng đờn kìm, đờn tranh. Tôi nghĩ rằng nếu giáo sư mặc Quốc phục có lẽ buổi diễn sẽ được thêm phần trang trọng”. Tôi trả lời: “Chúng tôi có câu: Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Tôi đến đây mà ban tổ chức ước ao tôi mặc áo dài, khăn đóng, tôi sẽ rất vui mà thực hiện lời ước đó trong buổi thuyết trình đầu tiên của tôi”.
Đúng ngày, trong đại giảng đường im phăng phắc, khi giáo sư Franck Callaway giới thiệu: “GS.TS Trần Văn Khê thuyết trình về âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Từ hậu trường, tôi trong trang phục áo dài, khăn đóng, bước lên sân khấu, cúi đầu chào khán thính giả. Tiếng vỗ tay vang dội trong phòng. Sau buổi giảng, có bốn người Việt Nam trong nhóm người Việt di tản, đến dự, nắm tay tôi mà nói: “Sáng nay, khi thấy hình ảnh của một người Việt Nam mặc áo dài, khăn đóng xuất hiện trên sân khấu, chúng tôi không cầm được nước mắt”. Các giáo sư người Úc cùng đến khen ngợi tôi biểu diễn nhạc rất hay và trang phục đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Năm 1983, Hộ đồng Quốc tế âm nhạc tổ chức đại hội tại Bratislava (Tiệp Khắc). Trong Ngày Quốc tế âm nhạc, ban tổ chức có mời tôi biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam. Năm đó, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, bạn thân của tôi, ở chung một phòng khách sạn với tôi. Thấy tôi chuẩn bị áo dài, khăn đóng, để mặc biểu diễn trong chương trình quốc tế, Phước hết sức do dự, rốt cuộc cũng nói rõ với tôi: “Lúc Khê giới thiệu âm nhạc trong các nước tư bản bên Âu Mỹ thì Khê muốn mặc gì cũng được. Nhưng lần này, Khê nên mặc Âu phục để tham dự buổi hòa nhạc thì tốt hơn”.
Tôi trả lời nhẹ nhàng: “Theo tôi nghĩ, óc phong kiến là ở trong đầu của mỗi người. Áo dài, khăn đóng là trang phục truyền thống Việt Nam dùng để mặc trong các lễ hội. Trong mấy chục năm nay, tôi mặc áo dài, khăn đóng đến đâu cũng được hoan nghinh khen ngợi. Nếu bạn nghĩ tôi đến đây nên mặc Âu phục để biểu diễn thì điều đó nghịc với cách suy nghĩ của tôi mấy chục năm nay. Nếu ban tổ chức bắt buộc tội mặc Âu phục thì tôi sẽ không biểu diễn”.
Lần đó, trong trang phục áo dài, khăn đóng, tôi biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam và được đại biểu các nước, kể cả đại diện sứ quán Việt Nam tham dự chương trình đều hoan nghinh, tán thưởng.
Các bạn thấy không, khi nghĩ mình đã làm đúng theo lẽ phải, chúng ta sẽ phải có can đảm một mình chống lại đại đa số ý kiến. Và cũng nhờ có bản lĩnh mà trong cuộc sống chúng ta sẽ có thêm bạn ủng hộ tinh thần và vật chất.
Suốt thời gian dài gắn với âm nhạc dân tộc, khi biểu diễn, tôi luôn mặc áo dài, khăn đóng. Những bộ lễ phục đặc biệt này tôi để trong bao, treo cất cẩn thận trong tủ. Trước khi đi biểu diễn, tôi xem lại lễ phục, nếu thấm mồ hôi thì mang đi giặt sạch sẽ. Khi mặc áo dài thì mặc hết sức đàng hoàng, tay trong, tay ngoài, cổ áo đâu ra đó. Không phải tôi “điệu” mà như đã nói, tôi nghĩ đó là sự lễ phép đối với người đến nghe mình nói. Trong khi người đến nghe mình ăn mặc sạch sẽ, lịch sự mà mình lại mặc lôi thôi là coi thường khán giả, coi thường bản thân. Lúc bước ra sân khấu biểu diễn, phải luôn cố gắng toàn vẹn từ trong đến ngoài. Một số người nói tôi diện, cứ cho là tôi diện đi nhưng điều đó giúp tôi thấy mình tự tin, trang trọng trước mọi người.
Tôi nhớ câu của Khổng Tử nói: “Ngã tự kính, nhân tất kính chi, ngã tự tiện, nhân tất tiện chi”, tức là ta tự kính trọng mình thì được người khác kính trọng, ta tự khinh mình thì người khác sẽ khinh ta.
Đến nay, trong nước, lần lượt, các nghệ sĩ giới thiệu hát quan họ Bắc Ninh, ca trù miền Bắc đều mặc áo dài, khăn đóng. Và trong toàn cả nước từ Bắc chí Nam số nghệ sĩ mặc Quốc phục ngày càng đông. Đến kỳ hội nghị cấp cao APEC, chủ tịch nước Việt Nam tặng cho đại diện các nước áo dài Việt Nam để làm kỷ niệm.
Nhưng cũng có đôi khi, việc lựa chọn trang phục biểu diễn đờn dân tộc không phù hợp cả một số người làm tôi buồn lòng. Như trong một chương trình hòa nhạc dân tộc, các cô gái đờn tranh đều mặc áo dài, khăn đóng thật đẹp thì các cậu con trai chơi đờn bầu lại mặc gi lê. Điều ấy giống như trên một bãi cát thiệt đẹp có mấy viên sạn. Sao các bạn không nghĩ rằng các bạn mặc áo dài, khăn đóng biểu diễn đờn dân tộc thì đẹp biết bao nhiêu, chỉ cần nhìn vào trang phục của bạn, nhiều người sẽ biết ngay rằng bạn là người Việt Nam.
Tôi đã nhìn thấy nhiều sáng kiến trong thiết kế áo dài. Sáng kiến thế nào thì cũng cần giữ lại cái nòng cốt của áo dài như nhà thơ Văn Tiến Lê đã viết:
“Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời
Thân sau vạt trước thành lời nước non”
Bất chấp lời phê bình của trăm người, tôi vẫn giữ vững niềm tin và thái độ của mình đối với Quốc phục. Mong các bạn hãy biết yêu chiếc áo dài – Quốc phục của đất nước mình – để thêm yêu đất nước mình, thêm hiểu mình đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới.

Tác giả: Trần Văn Khê (trích trong “Tự truyện Trần Văn Khê”, trang 151 – 157, NXB trẻ, 2014).