Cho thuê áo dài cưới, bưng quả, lễ tân, áo dài chụp ảnh, áo dài cho mẹ, vest nam, việt phục, áo bà ba, trang phục kỷ yếu số lượng lớn nhất TPHCM

Image Slider

Sách ngàn năm áo mũ


Ngàn năm áo mũ là một nghiên cứu công phu và đầy tham vọng của Trần Quang Đức: dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945).
Sách ngàn năm áo mũ


Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Ngàn năm áo mũ lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam, mô tả chi tiết, tỉ mỉ nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu v.v..

Trong khi đó trang phục dân gian không biến động nhiều, phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử. Sự kiện vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” là một biến cố lớn lao, để rồi chiếc áo dài năm thân đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.

Có thể nói, Ngàn năm áo mũ bù đắp phần nào vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Cùng với những ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài.


Phụ kiện trang trí cho áo ngũ thân

Khi mặc áo ngũ thân, phụ nữ có thể trang trí nút áo ngũ thân bằng bội, bài & tiền. Bội, bài và tiền có thể làm bằng vàng (kim), ngọc, bạc (ngân) hoặc ngà. Từ đó, chúng ta có thể miêu tả chúng như kim bội, kim tiền, kim bài, ngọc bội, ngân tiền, ngà bài...

Về chữ khắc trên đó, bội thường khắc chữ hai mặt, một mặt là "Quỳnh dao vĩnh hảo", nghĩa là vĩnh viễn tốt đẹp như quỳnh & dao, hai loại ngọc quý, mặt còn lại khắc niên đại được chế tạo của bội (Khải Định niên tạo, ví dụ). Về bài, chúng thường khắc thân phận hoặc chức vụ của người đeo. Chữ khắc trên tiền khá đa dạng, có thể là niên đại được đúc (ví dụ, Minh Mạng thông bảo) hay mỹ từ (ví dụ Phúc lộc thọ khang).


Phía dưới bội - bài - tiền là kim tòng, còn gọi là thuỳ anh huyền bội. Chúng có thể đơn giản được kết bằng vải, hoặc bằng ngọc mã não, vv

Bài viết nếu có điểm nào sai sót mong mọi người chỉ ra. Mong rằng các bạn có thể cố gắng sử dụng bội - bài - tiền khi trang trí cúc áo, thay vì sử dụng áp khâm vốn là đặc trưng của nhà Thanh và không có trong lịch sử Việt Nam.
Kim tiền & kim bội

10 địa điểm chụp ảnh việt phục đẹp tại TPHCM


Tình hình một số bạn chưa biết chổ để chụp cổ phong đẹp, mị mạn phép đưa ra một số địa điểm( chủ yếu miền Nam) để mấy bạn tham khảo nha.



1. Thảo cầm viên Sài Gòn
2. Bảo tàng thuốc 
3. Lăng ông bà Chiểu
4. Miếu Phù Châu
5. Chùa bà thiên hậu Q5
6. Nhà cổ - Nhà chú Hoả
7. Khu du lịch Bến Xưa
8. Bảo tàng áo dài Tp-HCM
9.Chùa một cột Thủ đức
10.Chùa thái Q9

Trang phục dân thường thời Trần

1) Y phục

Tới thời Trần trang phục dân gian của nước ta vẫn tiếp nối các loại trang phục dân gian của thời Lý và còn phát triển hơn nữa

Trong "An Nam chí lược" Lê Tắc viết: " Vương hầu và thứ dân thường mặc áo cổ tròm, thường bằng màu đen huyền, quần bằng là trắng, hài chuộng loại bằng da"

Sứ thần nhà Nguyên Trần Cương Trung trong Sứ Giao thi tập miêu tả:" Người trong nước đều mặc màu đen, áo đen có bốn vạt, cổ tròn bằng là. Phụ nữ cũng mặc áo đen, song áo trắng bên trong lộ rõ ra ngoài, ôm lấy cổ, rộng bốn tấc là khác biệt. Các màu xanh, đỏ, vàng, tía tuyệt nhiên không có" hoặc "Dân đều đi chân đất (...) da chân họ rất dày, leo núi như bay, gai góc cũng không sợ"



Uông Đại Uyên người Nguyên trong Đảo di chí lược miêu tả người Việt hạng giàu có khá giả :" Mặt trắng răng đen, thắt đai, đội mũ, mặc áo Đường, có áo trùm bên ngoài màu đen, tất tơ giày vuông (...) khi ở nhà họ để đầu trần, thấy khách thì đội mũ, đi đâu xa thì một người bưng mũ mang theo (...) thứ dân ngày thường ở nhà không đội mũ"

Về chất liệu may trang phục trong "An Nam chí nguyên", tác giả Trung Quốc Cao Trùng Hưng thời Minh có đưa ra ghi nhận:" Vải vóc nước ấy (Nước ta thời cuối Trần - đầu hồ Hồ) thì có các loại the Cát Liễu, the hoa tim táo sợi thẳng, the hợp, lụa bóng bông, ỷ (Loại the lụa có hoa bóng chằng chịt, không dùng sợi thẳng), lĩnh, là, hài tơ khá lạ mà tốt. Hai thứ gai, tơ chuối thì được chắp lại làm vải, mịn như lụa nõn, rất hợp mặc vào mùa hè"
Có thấy rõ tục đi chân đất, nhuộm răng đen của người nước ta vẫn tiếp tục tồn tại

Trang phục nam

Có thể thấy kiểu áo cổ tròn 4 vạt thời Lý tới thời Trần vẫn được sử dụng, và kiểu áo này thậm chí còn được dùng tới tận thời Lê - Trịnh nữa (Xem thêm phần trang phục thường dân thời Lý để biết rõ)



Tranh vẽ áo vạt dài cổ tròn Trần ( Cả thời Lý nữa ) Nguồn từ "Đại Việt Cổ Phong" vẽ bởi Lục Bình

Tuy nhiên dựa vào bức tranh "Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ" có thể thấy người Việt thời Trần không chỉ mặc mỗi loại áo cổ tròn bốn vạt mà mặc cả áo giao lĩnh vạt chéo nữa



Áo cổ tròn 4 vạt của các quan thời Trần trong "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ"



Cũng trong bức "Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ" áo giao lĩnh vẫn xuất hiện

Ngoài ra nếu để ý kỹ bức tranh những người mặc áo giao lĩnh vạt chéo khênh võng đón Phật hoàng Trần Nhân Tông có thể thấy họ không mặc quần dài, đây chính là minh chứng rõ nhất cho tục đóng khố rồi mặc trùm áo giao lĩnh ra ngoài của đàn ông Việt Nam, tục này duy trì tới tận cuối thế kỷ 17
Ngoài ra Cu Khứ Phi trong "Lĩnh ngoại đại đáp" từng ghi rằng người Việt thời Lý có :" Lấy cao thơm chuốt tóc như sơn, bọc khăn the đen, đỉnh tròn và nhỏ, từ trán trở lên lên, nếp gấp nhỏ như may lên đến tận chóp"

Như vậy thời Lý ngời Việt cũng có tục vấn khăn tuy nhiên không phải kiểu vấn khăn xếp giống thời nhà Nguyễn vì kiểu vấn khăn đó chỉ xuất hiện quãng cuối thế kỷ 17 (Đoạn này mình định đưa vào hời Lý nhưng cuối cùng xếp vào vào thời Trần vì y phục thường dân 2 thời rất giống nhau)



Búi tóc chuy kế (Búi tó, búi củ hành...) rồi vấn khăn thời Nguyễn, đây không phải dạng vấn khăn như thời Lý - Trần



Minh họa về trang phục thời Trần lấy từ "Đại Việt cổ phong" tuy trên tranh ghi là trang phục thời Lý nhưng cách ăn mặc này thời Trần cũng vẫn dùng được nên mình lấy nó minh họa, kiểu vấn khăn thời Lý được vẽ ở tranh này khá hợp lý, nó bọc kín đầu chứ không để hở như thời Nguyễn có điều lại vấn lỏng chứ không chặt



Tranh trong "Tam tài đồ hội"(Thế kỷ 15) miêu tả người nước ta, có thể dễ dàng nhận thấy kiểu ăn mặc đóng khố mặc áo dài vẫn được duy trì



Cách ăn mặc của đàn ông Việt Nam rất gióng của Nhật, mọi người có thể thấy trong bức tranh của họa sĩ Utagawa Hiroshige (歌川 広重 - Ca Xuyên Quảng Trọng ) (1797 – 1858) những nhân vật trong tranh có người mặc áo dài nhưng đóng khố. đây là kiểu mặc trong những ngày nóng vừa để tiện lao động



Về trang phục nữ

Thông qua các miêu tả có thể thấy trang phục nữ thời Trần vẫn là dạng áo cổ tròn 4 vạt đi với thường và váy hoặc áo giao lĩnh vạt chéo đi với thường và váy (Xem lại phần trang phục nữ thời Lý phần trước ) 2 dạng trang phục này của nữ như đã viết còn được dùng tới tận cuối thời Lê - Trịnh




Phụ nữ Việt thời Lê Trung Hưng trong tranh "Văn quan vinh quy đồ" mọi người có thể thấy rõ kiểu dáng trang phục áo cổ tròn 4 vạt đi với thường + váy từ thời Trần vẫn còn tới thời này




Trang phục áo cổ tròn 4 vạt quây thường lấy sắc đen làm chính của phụ nữ thời Trần (Tranh vẽ lilsuika trên blog cá nhân, vẽ thế này chưa chuẩn lắm vì đời Trần hạn chế dân dùng màu đỏ, sắc áo chủ yếu là tối màu, thêm vào đó tranh chú thích là thời Lê, cái này thì đúng nhưng trang phục này có sự kế thừa từ thời Lý Trần nên mình vẫn đưa vào )

Thêm vào đó có một chi tiết trong "An Nam chí lược" đã được dẫn ở phần trước xin nhắc lại : "Thường phục coi màu trắng là cao quý, người trong nước mặc màu trắng bị coi là tiếm chế, riêng phụ nữ không cấm"
Tức là phụ nữ nước ta thời Trần cũng chuộng mặc màu trắng, không e sợ

"Đại Việt sử ký toàn thư" có ghi năm 1291 khi Trần Thánh Tông mất, Anh Tông có nói với sứ nhà Nguyên:" Ta để cha, mặc áo đen, ăn rau cỏ, trai giới trong năm năm"

Trong "Minh thực lục" có ghi chép lời của Giao Chỉ Bố chính ty Lư Văn Chính tâu lên năm 1419 (Lúc này nước ta đang dưới thời Minh thuộc) :" Người Giao chỉ khi cha mẹ mất chỉ mặc áo đen. Xin đem tang lễ do quốc triều đặt định ban bố cho khắp dân gian, để họ biết"

Xem thế đủ biết nước ta thời Lý - Trần trang phục lúc để tang chủ yếu là màu đen, ít dùng màu trắng nên người ta mặc đồ trắng thoải mái không cho đó là điểm gở

Ngoài ra chúng ta qua các sản phẩm nghệ thuật thời Trần hoặc liên quan tới thời Trần cũng có thêm chút hiểu biết về trang phục phụ nữ quý tộc thời này

Trước hết cần phải nói trang phục thời Lý - Trần của phụ nữ quý tộc cũng như các dạng trang phục khác đều chịu ảnh hưởng của trang phục đời Đường - Tống
Phụ nữ quý tộc thời Đường Tống vẫn mặc dạng trang phục chủ đạo là áo giao lĩnh + váy + thường tuy nhiên cách kết hợp khác dân thường, quần áo thường bằng chất vải mỏng chờm nhiều lớp, chiếc Thường mà phụ nữ quý tộc Đường - Tống mặc rất dài, được mặc trùm lên váy, thay vì thắt đai lưng ở eo họ lại thắt cao hơn ở gần ngực, ngoài ra họ có thể mặc ngoài một áo giao lĩnh vạt chéo mỏng tạo nên vẻ thướt tha yểu điệu vừa tôn dáng người phồn thực vốn là chuẩn vẻ đẹp Đường - Tống



Phụ nữ quý tộc thời Đường trong bức Trâm Anh nữ sĩ đồ của Chu Phưởng



Các cung nữ thời Tống trong Đảo luyện đồ của Hoàng đế Tống Huy Tông

Cách phục trang này ảnh hưởng tới phụ nữ quý tộc thời Lý - Trần



Hình trên là pho tượng tại bảo tàng Bruxelles của Bỉ, được xác định niên đại là vào thời Trần, xuất hiện trong phim tài liệu "Đi tìm trang phục Việt", trang phục được cho là của phụ nữ quý tộc đời Trần



Bản vẽ phục dựng lại bộ trang phục trên tượng trong phim tài liệu "Đi tìm trang phục Việt" bản vẽ này không ổn lắm vì vẽ không rõ trang phục thuộc dạng gì



Bản phục dựng với trang phục và người mẫu thật trong cùng phim tài liệu trên thì đỡ hơn vì cơ bản thể hiện được trang phục tuy nhiên quên mất cái Thường



Bản vẽ của lilsuika (Trên blog cá nhân) cũng được vì đã vẽ khá chuẩn trang phục thời Trần với áo 4 vạt kết hợp với thường tuy nhiên nét vẽ cổ áo mặc ngoài chưa rõ ràng không đủ để phân biệt là giao lĩnh vạt chéo



Cũng là tranh vẽ của lilsuika, bức tranh trên được chú thích là tranh vẽ từ tượng bà chúa Mạc tức là thế kỷ 15 - 16, tuy nhiên cách ăn vận thế này rõ ràng ảnh hưởng kiểu ăn mặc của nữ quý tộc đời Đường - Tống, phụ nữ qúy tộc đời Lý - Trần cũng mặc, đời sau tiếp thu theo

Ngoài ra cũng trong bộ phim tài liệu "Đi tìm trang phục Việt" có khai thác hình tượng các vũ công và tiên nữ được khắc và vẽ trong đình Lỗ Hạnh tại Hiệp Hòa - Bắc Giang, đình Lỗ Hạnh được xây vào nửa cuối đời Trần và được trùng tu vào thời Mạc, bởi thế trang phục được miêu tả chưa chắc đã là thời Trần
Tuy nhiên cứ theo thần phả thì đợt trùng tu thời Mạc không đến nỗi đập sạch đi làm lại từ đầu kiến trúc gốc mà chỉ cơi nới sửa chữa, vậy cũng có thể đưa thêm tư liệu này vào đây để tham khảo với tư cách là trang phục của nữ quý tộc hoặc các ca vũ thời Trần






Cột kèo chạm gỗ hình vũ công (Trên) và bức tranh sơn ta miêu tả tiên nữ chơi nhạc (Dưới) trong đình Lỗ Hạnh



Bản phục dựng của lilsuika

Thời Lê dân thường mặc đồ nào?

 Trang phục dân gian thời Lê Sơ - Lê Trung Hưng
1) Y phục
Vào thời Lê Sơ - Lê Trung Hưng trang phục của dân gian có 2 loại phổ biến nhất là áo giao lĩnh vạt chéo và áo cổ tròn bốn vạt, trong đó áo giao lĩnh vạt chéo có thể coi là quốc phục

Trang phục nam

Trong sách Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài (1681) Jean Baptiste Tavernier đã miêu tả người Đàng Ngoài ăn mặc như sau:" Họ ăn mặc trang trọng và đơn giản. Đó là một cái áo dài đến gót chân, gần giống áo dài của Nhật Bản, đàn ông và đàn bà ăn mặc giống nhau không phân biệt. Áo dài họ mặc được thắt ở khoảng giữa thân bằng một cái thắt lưng lụa, đeo đồ vàng, bạc đánh rất đẹp"

Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi chép về sự kiện triều đình chúa Trịnh quy định y phục cho vùng Thuận Hóa (Mới chiếm được của chúa Nguyễn từ năm 1774) :" Mùa xuân năm Bính Dần, đặt trấn phủ Nha môn ở Thuận Hóa. Bắt đầu từ tháng 7, tuyên dụ rõ rằng: Y phục bản quốc (Y phục tiều Lê - Trịnh) có chế độ riêng, địa phương này trước đây cũng tuân theo quốc tục. Nay cung vâng Thượng đức, dẹp yên biên phương, trong ngoài thống nhất, chính trị và phong tục cũng nê như một. Các loại quần áo kiểu Khách (kiểu Trung Quốc) còn thấy phải đôi theo quy chế quốc tục (...) Đàn ông, đàn bà mặc áo trực lĩnh ngắn tay (tức áo giao lĩnh với chiều dài ống tay áo châm đến cổ tay), ống tay áo rộng hẹp cho được tùy tiện . Áo thì từ hai bên nách trở xuống đều nên may khép lại, không được để mở, không được chiết eo. Riêng đàn ông nếu muốn mặc áo cổ tròn hẹp tay để tiện làm việc cũng được. Lễ phục dùng áo trực lĩnh ống tay dài, hoặc may bằng vải Thanh Cát, hoặc vải thâm, hoặc vải trắng tùy nghi"


Trong Gia Định thành thông chí , Trịnh Hoài Đức cho biết trước năm 1744 khi chúa Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh cải cách y phục thì người Việt tại Gia Định :" vẫn tuân theo tập tục cũ của Giao Chỉ, người dân xõa tóc đi chân đất, nam nữ đều dùng áo trực lĩnh ngắn tay, áo may khép lại hai bên nách, không có quần, đàn ông dùng một khổ vải quấn quanh eo, đến dưới mông thì bó lại thắt vào vùng rốn, gọi là cái khố, đàn bà có loại váy quây không gấp nếp, đội nón lớn"
Trong cuốn Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị Đàng Ngoài Jerome Richard miêu tả người Việt Đàng Ngoài năm 1778:" Những người phụ nữ nói chung ăn mặc khá khiêm nhã. Họ mặc một chiếc váy dài và một hoặc nhiều áo cùng kiểu như của nam giới nhưng chúng ngắn hơn. Họ buộc quanh ngực một chiếc yếm là một mảnh vải hoặc lụa có hình trái tim, dùng để làm đẹp cho họ (...) những người giàu hoặc có phẩm tước mặc đồ lót cực rộng và dài, áo ngủ có tay hẹp và ngắn cùng kiểu với áo dài bên trong và bên ngoài của họ (...) quần áo của dân Đàng Ngoài đa dạng về màu sắc . Thông thường nhất là màu trắng. Có nghĩa là màu sắc tự nhiên của lụa hoặc vải. Màu đen phù hợp với những người được trọng vọng nhất"
Trong Thanh triều văn hiến thông khảo mô tả người Việt :"Đàn ông đàn bà đều xóa tóc đi đất. Quần áo hoặc bằng vải hoặc bằng lụa, phần lớn dùng sắc trắng. Đàn ông dùng vải thắt lưng, sau đó luồn xuống dưới mông trở ra phía trước thắt bọc lại. Đàn bà dùng vải lụa che ngực"

Tổng hợp các ghi chép có thể thấy đàn ông thời Lê Sơ- Lê Trung Hưng mặc dạng trang phục phổ biến nhất là áo giao lĩnh phía dưới đóng khố, kiểu mặc quần áo như thế này đã có từ đời Lý - Trần (Xem phần trang phục thường dân thời đó để biết thêm chi tiết)

Tục đóng khố vẫn duy trì tới tận thời này và nhìn chung mục đích cũng như thái độ với cái khố không có gì quá khác biệt, vẫn được dùng trong lao động và khi trời nóng, ngay trong tranh vẽ của Samuel Baron về cảnh vua Lê xuất cung và cảnh một đám tang thì các phu khênh kiệu, khênh quan tài vẫn đóng khố cởi trần



Vua Lê xuất cung (trên) và đám tang quý tộc thời Lê Trung Hưng (dưới)



Tranh vẽ binh lính thời Lê Trung Hưng đóng khố trưng bày tại bảo tàng mỹ thuật Việt Nam



Tranh vẽ một nam giới Đàng Ngoài(trên) va Đàng Trong (dưới) trong cuốn Boxer Codex (1590) - lưu ý chiếc mũ mà 2 người này đội không phải là mũ Bình Đính mà là mũ lục hợp làm từ sáu mảnh vải khâu lại với nhau cũng có thể coi là một dạng biến thể của mũ Bình Đính, người Đàng Trong đội mũ Lục hợp thấp hơn.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là tất cả đàn ông đều đóng khố phía dưới, qua tranh tượng thời này ta vẫn thấy được đàn ông mặc quần dài hoặc kết hợp mặc quần + thường
Ngoài ra một kiểu ăn mặc cũng rất quen thuộc mà mình đã nhắc tới trước đó là kiểu trang phục của Nho sĩ, trí thức mặc áo giao lĩnh đầu đội mũ the Bình Đính màu đen


Bức Giảng học đồ vẽ thời Lê Trung Hưng miêu tả một trường học (Trưng bày tại bảo tàng lịch sử Việt Nam)


Nam giới Việt Nam trong Hoàng Thanh chức cống đồ




Tranh vẽ truyền thần một số danh nhân thời Lê Trung Hưng, từ trên xuống dưới Tham Tụng Nguyễn Quý Đức (1648 - 1720) - Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1653 - 1675) - Kiến trung hầu Trịnh Đình Kiên ( 1715 - 1786)


Một số chiếc áo giao lĩnh được tìm thấy tại ngôi mộ cổ thời Lê ở vườn đào Nhật Tân

Hình ảnh phục dựng một bộ áo trong phim tài liệu đi tìm trang phục Việt



Tranh vẽ Nho sĩ thời Lê Trung Hưng mặc áo giao lĩnh đội mũ Bình đính, nguồn lấy từ nhóm Đại Việt cổ phong
Dạng áo thứ 2 là áo cổ tròn 4 vạt - 2 vạt, tuy dạng áo này ít được mặc hơn trong dân gian nhưng nó vẫn tồn tại



Trong bức Giảng học đồ này cậu tiểu đồng đứng quạt bên trái mặc áo cổ tròn





Binh lính và phu kiệu trong 2 bức Văn quan vinh quy đồ (trên) và Võ quan vinh quy đồ (dưới) mặc áo cổ tròn

Cách ván khăn vành cho áo nhật bình

Cách chít khăn trong cung ở Huế khác với cách vấn khăn của đàng ngoài. Khăn vấn Huế được chít với mép khăn hướng lên trên và dấu ở phía trong vành khăn. Vành khăn thứ hai được chít bao ra ngoài phía trước vành khăn một, chứ không luồn bên dưới vành một như ở Bắc bộ. Các mệnh phụ trong cung Huế thường vấn khăn vành dây ra ngoài khăn chít trong các dịp lễ. Khăn vành dây rộng 30cm. Khăn bằng Crepe de Chine ngoại quốc có độ dài trung bình là 15 mét. Khăn nhiễu cát Việt Nam mỏng nên có độ dài hơn.


Từ độ rộng 30cm, khăn vành dây được xếp thành bề rộng 6cm với cạnh hở hướng lên trên, rồi quấn thành hình chữ Nhân, tức là chữ V ngược, che tóc, một phần tai và vòng khăn chít bên trong. Khi khăn đã bao giáp vòng, gấp khăn lại còn nửa chiều rộng, bắt đầu từ đằng sau gáy, vẫn để cạnh hở hướng về phía trên, rồi vấn tiếp. Khăn vành được bao chặt ra ngoài phần khăn chit, tạo thành một cái đĩa lớn. Vì nhiễu cát có độ co dãn và nhám cao nên khăn vành ít khi tuột. Phần cuối của khăn được vén khéo vào trong vành khăn phía sau, rồi dùng kim găm dấu cho khéo.

Về sau khi tóc uốn trở nên thông dụng, người Huế tạo ra một vòng vải ống tròn nhồi bông chụp vừa lên đầu giả khăn vấn để lót cho khăn vành dây. Một trong những người đầu tiên xử dụng loại khăn vấn sẵn này là Hoàng hậu Nam Phương. Khi mới nhập cung, tóc Hoàng hậu vẫn còn uốn ngắn như hồi còn ở bên Pháp. Phải có cái ống khăn chít giả bên trong người ta mới vấn được khăn vành cho Hoàng hậu, để bà có thể mặc áo mệnh phụ khi làm triều lễ.

Chỉ mãi sau này khi điển lệ đã bị phá bỏ người ta mới thấy một vài khăn vành dây mầu vàng trong cung. Còn ngoài ra, từ các Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu cho đến các Công chúa, Mệnh phụ thường cũng chỉ vấn khăn vành mầu lam đậm. Khăn vành dây bao giờ cũng được xem là niềm kiêu hãnh, cũng như nỗi khổ của các phi, hậu, mệnh phụ ngày xưa."




ĐÔI ĐIỀU LẠM BÀN VỀ NHẬT BÌNH

Trước khi đi vào vấn đề chính, mình xin phép được thông qua một chút rằng bản thân vẫn là người chưa đủ kiến thức trong lĩnh vực trang phục hay văn hóa cổ phong Việt Nam, lại càng là người ít hiểu biết về y quan nhà Nguyễn. Nên nếu có gì sai sót mong anh em và mọi người góp ý, chỉ giáo. Đồng thời, nội dung viết cũng sẽ không đi chuyên sâu vào trích dẫn học thuật




Áo Nhật Bình đã được giản hóa hoa văn nhà Nguyễn (Chưa có từ “Cách tân nào trong bài đăng nên mình xin không đưa vào). Sau đó thì hàng loạt các comment nổ ra, ủng hộ có, chê bai cũng có và tranh cãi khá quyết liệt vì kiểu áo trên quá giống Phi Phong của Minh – Thanh. Sau khi tham khảo nhiều đàn anh và ngâm cứu một chút về “Nhật Bình”, mình viết bài này nêu lên ý kiến cá nhân về vấn đề trên, cụ thể như sau:

1. Nhật Bình và Phi Phong có khác nhau không?
Xin phép thưa là không khác nếu xét về cấu trúc may mặc. Nhiều bạn chắc sẽ phản đối mình về vấn đề này, nhưng để đưa ra nhận định trên mình có những lý giải sau:
ĐÔI ĐIỀU LẠM BÀN VỀ NHẬT BÌNH
- Về mặt nguồn gốc, Nhật Bình vốn dĩ là áo Phi Phong của Minh triều Trung Hoa được nhà Nguyễn phát triển lên. Cấu tạo cơ bản nó theo sát Phi Phong Minh và Thanh.

- Về mặt kết cấu may mặc, có thể khẳng định bắt đầu từ thời kì Bắc thuộc, các dạng thức may mặc của ta đều có sự học hỏi nhất định văn hóa phương Bắc. Các dạng áo như giao lĩnh, viên lĩnh, vân vân và mây mây khác trong đó có Nhật Bình đều dựa trên kết cấu may mặc từ phương Bắc để phát triển. Nhiều bạn nghĩ rằng chỉ thay đổi vị trí nút, viền cổ… thì nó thành Việt phục cách tân? Thực sự tư duy như vậy chưa chuẩn. Chỉ nói riêng Phi Phong của Minh – Thanh, cũng chưa có quy chế ràng buộc chặt chẽ về độ dài áo, số lượng và vị trí nút… 

2. Vậy Nhật Bình khác Phi Phong như thế nào?
Đọc nhiều comment của các bạn, người nói là khác ở viền cổ, người nói khác ở tay ngũ sắc, người nói ở hoa văn trang trí…. Theo mình, các bạn ấy đều đúng, nhưng không đủ. Vì như mình đã trình bày ở trên, Phi Phong của Minh không có quy định rõ về tiêu chuẩn may, mặc cơ bản dạng thức áo, nên nếu họ thích họ vẫn có thể pha tay ngũ sắc (Vốn là phong cách của Thanh), Loan phượng ổ, viền cổ áo… miễn là không sai khác về kết cấu cơ bản, thì người Trung Quốc vẫn gọi đó là Phi Phong (Bạn nào tra các hiện vật áo tuồng kịch của Trung Quốc thời Thanh sẽ thấy họ chế áo Phi Phong tương tự Nhật Bình của Nguyễn đấy).
Vậy Nhật Bình khác Phi Phong như thế nào?
Vậy cái gì là cái bản chất để phân biệt Nhật Bình với Phi Phong? Xin thưa đó là “Quy chế” hay nói hoa hòe hơn là “Điển chế” được nhà Nguyễn quy định. Tức là các vấn đề về hoa văn cổ áo, thêu ổ, màu sắc, người sử dụng, lễ tiết sử dụng đều được nhà Nguyễn quy định rất rõ trong Điển chế. Cái này Phi Phong của Minh – Thanh chắc chắn không có ghi nhận. Chính những quy định về chế độ mũ áo này nó đã tạo ra các đặc điểm đặc trưng về cả bên ngoài (hoa văn, thêu, màu sắc) và nội hàm, ý nghĩa bên trong của Nhật Bình (tác dụng của áo, giá trị của áo) và làm nên sự khác biệt, bản sắc cho Nhật Bình của Nguyễn triều.

3. Nhật Bình có “CÁCH TÂN” được không?
Xin phép trả lời thẳng là “KHÔNG”. Không thể có khái niệm "NHẬT BÌNH CÁCH TÂN" như hiện nay đang lạm dụng. Như đã giải thích ở trên, Nhật Bình vốn bản chất nó là loại áo lễ tiết, được hậu cung và mệnh phụ nhà Nguyễn sử dụng trong các dịp lễ lạt theo quy định rất chặt chẽ. Các quy định này nó gò bó cả yếu tố màu sắc, trang trí bên ngoài và nội hàm bên trong. Nó ràng buộc vị thế của người sử dụng theo thứ bậc rất khắt khe thời phong kiến. Những điều này đã được ghi rõ trong điển chế của nhà Nguyễn và chỉ có thỏa được như vậy nó mới được chép và quy định là “NHẬT BÌNH”. Nếu muốn được gọi là “NHẬT BÌNH CÁCH TÂN” chỉ trừ trường hợp nhà Nguyễn còn tồn tại (Như Hoàng gia Nhật) và thay đổi quy chế đã định từ thời trước thì việc cách tân để đổi mới quy chế cũ mới diễn ra. Tất cả những sự thay đổi về kết cấu, đồ hình, màu sắc, mục đích sử dụng khác với quy định sẽ tự động loại bỏ nó ra khỏi khái niệm “Nhật Bình”.

Điều này nói đơn giản “Y phục xứng kì đức” - “Y quan thuận chế độ”, chế độ nào điển lệ y quan ấy thì “nó” mới là “nó”. Còn thay đổi điển chế cái áo lễ chế theo bất kì hướng nào rồi nói nó là “Cách tân” đều giống như việc bạn mặc bộ đồ sô gai để làm đám cưới rồi nói đó là đồ cưới cách tân vậy.

Nhìn lại hệ thống cổ phong chuyên nghiệp của các nước đồng văn Đông Á, mọi người sẽ nhận thấy, họ cách tân và phát triển dựa trên hệ dạng cấu trúc áo quần hoặc tập trung vào tiện phục, đồ thường. Việc cách tân các trang phục lễ nghi theo quy chế rất ít và ngày càng được loại bỏ, dần đi đến sự đúng và chân thật nhất trên mảng này. Đây là xu hướng chung mà ta cần theo.

Xét một mặt khác, việc thay đổi bản sắc văn hóa trên Nhật Bình để cách tân làm chúng ta mất đi cái đặc sắc của cha ông đã sáng tạo nên. Một phần trong tuyên truyền dễ gây lúng túng và hiểu lầm cho cộng đồng thế giới. Ví dụ như: “Dân Việt Nam mặc đồ cổ, áo ngắn như Đường y của Hàn vậy (Nhật Bình cắt vạt)?”, “Sao cái áo ấy giống Phi Phong vậy (Nhật Bình giản lược hoa văn)?”… Việc này không phải là định hình văn hóa mà là làm lệch đi bản chất văn hóa của trang phục cổ.
Nhật Bình có “CÁCH TÂN” được không?







Áo dài Việt: từ năm thân tới hai thân

Một cô bạn người Úc khi đến thăm Việt Nam đã tìm mua ngay một cái áo dài rồi hí hửng đi hỏi bạn bè xem cô mặc áo dài có hợp không. Quả thật, thân hình thon nhẹ và đôi chân dài của cô Stephanie này rất hợp với áo dài, nếu áo được may, mặc đúng cách. Nhưng chiếc áo dài may sẵn đó làm cho bụng Stephanie to ra vì eo áo bị nâng cao quá. Vạt áo cũng quá ngắn cho loại áo dài có chít eo so với cặp chân dài, cho nên áo cô mặc hơi thô. Mặc áo dài không đơn giản thế đâu.

Người Việt xưa nay thường có tính kín đáo. Cristoforo Borri, một giáo sỹ người Ý sống ở vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của xứ Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1623, đã nhận xét rằng tuy Việt Nam có thời tiết rất nóng, nhưng người Việt ăn mặc kín đáo nhất so với các dân tộc khác trong vùng. Các cụ ngày xưa chắc đã phải mất nhiều thì giờ nghiên cứu, để tìm cách phối hợp những nguyên tắc thẩm mỹ với quy luật kín đáo cố hữu của dân tộc vào việc may mặc. Thí dụ như khi cảm thấy cổ của người Việt thường không được cao lắm, người xưa đã biết may cổ áo thấp xuống và ôm sát cổ, trong khi tóc được vấn cao lên lộ gáy để dù cổ phải che, tóc phải dấu theo lệ, cổ của một phụ nữ Việt Nam trung bình vẫn nhờ đó trở nên thanh tú và cao, sang hơn. Kín đáo đấy, nhưng áo dài của người Việt vẫn có tiếng là gợi cảm.

Từ tứ thân, năm thân…

Người Việt xưa gọi áo dài là Tập phục, nghĩa là loại áo được mặc với nhiều lớp hay còn được gọi nôm na là áo mớ ba hoặc mớ bẩy. Thật ra trong đám mớ ba, mớ bẩy đó, lớp áo dài bên ngoài lại được người xưa gọi là áo lót. Vì thật ra nó chỉ là lớp lót trong của áo bào, với lớp xiêm độn ở giữa, trong các lễ trọng đại. Cho nên khi đọc sách Tây Hành Nhật Ký của Phạm Phú Thứ, thấy viết là các cụ sứ thần nước ta khoác “áo lót” (tập phục) ra đón tiếp quan khách ngoại giao của các nước đến thăm, người không hiểu lại thấy xấu hổ rằng người mình ngày xưa khiếm nhã.

Có hai loại áo dài luôn đi song song với nhau từ xưa đến nay. Đó là áo dài tứ thân và áo dài năm thân (tức là năm tà). Áo dài tứ thân có hai vạt trước mở dọc thẳng từ cổ xuống đến gấu. Vạt sau gồm hai thân nối lại dọc sống áo. Cổ áo tứ thân rất thấp, gần như không có. Loại áo này đã được biết đến từ thời Hán bên Trung Quốc, và trở thành phổ thông từ thời Đường, dưới dạng áo chẽn tay khoác ngoài với tay ngắn hay dài, gọi là đoản tụ hay trường tụ tỷ giáp. Cho đến cách đây gần nửa thế kỷ, áo dài tứ thân vẫn rất được thông dụng bởi phái nữ ở vùng thôn quê Bắc bộ, và ở áo mệnh phụ, tức là áo nhật bình, trong cung. Các sư sãi Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn mặc loại áo tứ thân với cổ nhật bình này. Trong khi áo năm thân, tức là áo dài với cổ xây (cổ đứng) cài nút sang bên phải như cái áo dài chúng ta vẫn thấy ngày nay.
 

Áo tứ thân Trường tụ (tay dài) Tỷ giáp – tranh Đường Dần (1470-1524)

 

Áo dài tứ thân nữ giới miền quê Bắc bộ (đầu thế kỷ 20)


Xuất xứ của áo dài

Chưa ai có thể khẳng định được áo dài năm thân của Việt Nam xuất hiện từ bao giờ và như thế nào. Tuy nhiên, pho tượng Ngọc nữ của thế kỷ 17 ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh, cho thấy ít nhất thời đó phụ nữ Việt cũng đã mặc loại áo dài có hình dáng của cái áo dài năm thân (mà sau thành ba thân, rồi ngày nay là hai thân) này. 

Tượng Ngọc Nữ, chùa Dâu-Bắc Ninh (thế kỷ 17)

Thản hoặc mới thấy một vài chi tiết liên quan đến áo dài, hoặc yếu tố Việt trong trang phục, ở các sách sử. Thí dụ như một đạo dụ năm Hưng Long thứ tám (1301) thời Trần Anh Tông cấm dân thường không được mặc áo rộng tay. Hay năm 1374 Vua Trần Duệ Tông cấm dân dùng y phục theo Bắc Quốc. Tuy nhiên chuyện được biết đến nhiều hơn cả là việc Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, khi xưng Vương năm 1744, đã bắt quan dân Thuận Quảng phải mặc lễ phục lấy mẫu từ sách Tam Tài Đồ Hội của nhà Minh, Trung Quốc. (Phải chăng vì thế đã có giả thuyết cho rằng áo dài Việt Nam xuất xứ từ phương Bắc?) Mặc dù phải chấp nhận việc triều cống nhà Thanh, nhưng người Việt lúc nào cũng coi người Mãn Châu là giống di địch, không phải chính thống Hán tộc. Vì thế triều phục và lễ phục của các triều đại Lê, Nguyễn Việt Nam vẫn theo mẫu của trang phục Hán tộc của triều Minh, Trung Quốc.  

Nhưng áo dài không phải là lễ phục. Áo dài chỉ là một loại thường phục trang trọng có thể mặc để tiếp khách, hoặc đi ra đường. Những dịp lễ lạc, người xưa phải khoác ra ngoài áo dài một cái áo lễ tay rộng (phổ phục) thí dụ như áo thụng, áo tràng ngoài dân gian; hay áo bào, áo mệnh phụ trong triều. Chỉ có các lễ phục này mới mang ảnh hưởng của phương Bắc. Trong khi đó, từ đầu đến cuối quyển sách Trung Quốc Phục Trang Sử nổi tiếng, viết và minh họa về y phục Trung Hoa từ đời Xuân Thu cho đến những năm đầu Dân Quốc (477 trước Công Nguyên đến thập kỷ 1920 Công Nguyên), không thấy đả động gì đến bì bào, tức là áo ôm người như áo dài của người Việt.

Loại bì bào độc nhất có cổ cao, cài nút bên phải dành cho phụ nữ ở Trung Quốc mà ngày nay còn thấy, thường gọi là trường sam, mà người mình hay gọi theo âm Quảng Đông là sường xám, có nghĩa là áo dài, chỉ xuất hiện từ Trùng Khánh và Thượng Hải trong thập niên 1920. Sường xám trở thành nổi tiếng nhờ bà Tống Mỹ Linh, vợ Thống Chế Tưởng Giới Thạch. Giới sành trang phục thế giới bên Âu, Mỹ thường cho rằng sường xám Trung Hoa là một phiên bản không thành công từ chiếc áo dài Việt. Cũng nên để ý rằng phụ nữ của một số bộ tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam cũng mặc loại áo giống áo dài dưới đồng bằng. Trong khi người cùng những bộ tộc ấy ở các nước chung quanh lại không thấy mặc loại áo này. 


Áo dài năm thân chúa Trịnh (cuối thế kỷ 18)


Trang phục Việt đầu thế kỷ 17

Năm 1776, sau khi quân đội của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài chiếm được kinh đô Phú Xuân của xứ Đàng Trong, quan Hiệp Trấn Thủ Lê Quý Đôn của nhà Trịnh ra lệnh cho dân ở đây phải cải lại lề lối ăn mặc theo tục lệ cũ, nghĩa là giống như cách trang phục của Đàng Ngoài lúc bấy giờ, cũng như ở Đàng Trong trước biến đổi thời 1744. Theo lệnh này, về thường phục thì  “Từ nay trở đi, đàn ông và đàn bà chỉ được mặc loại áo ngắn tay với cổ đứng…” Ngắn tay tức là tay áo chỉ dài đến cổ tay, thay vì dài gấp đôi chiều dài tay như trong áo lễ.

Trong quyển sách Relation de la Nouvelle Mission des Pères de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine, xuất bản tại Lille năm 1631, Giáo sỹ Borri đã tả rõ về cách ăn mặc của người Việt ở đầu thế kỷ 17: “Người ta mặc năm sáu cái áo dài, áo nọ phủ lên áo kia, mỗi cái một màu. Cái thứ nhất dài đến mắt cá chân một cách trang trọng. Rồi những áo khác ở ngoài ngắn dần.” Chắc vị giáo sỹ này muốn nói đến cách mặc áo mớ ba, mớ bẩy của phụ nữ Việt hiện còn thấy ở các làng Quan Họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, hay lác đác ở Huế cách đây khoảng hơn nửa thế kỷ? “Đàn ông cũng mặc năm, sáu lớp áo dài lụa… Phần dưới thắt lưng của mấy lớp áo ngoài được cắt thành những giải dài. Khi đi lại các giải này quyện vào nhau trông đẹp mắt. Mỗi khi có làn gió thổi thì các giải đó lại bay tung lên như cánh chim công thật ngoạn mục… Đàn ông cũng để tóc dài và bao tóc như đàn bà.”

Có lẽ Giáo sỹ Borri và nhiều người khác đã hiểu lầm về số lớp áo được người Việt cổ xưa mặc mỗi khi ra ngoài. Vẫn chưa có chứng tích hay tài liệu nào về việc thường dân mặc đến bẩy lớp áo dài xưa nay, ngoại trừ những trường hợp đại liệm trong tang lễ. Có lẽ mớ ba mớ bẩy chỉ là cách nói nôm na của ba và bẩy vẫn thường thấy trong ca dao Việt Nam. Thí dụ như câu “yêu nhau bẩy bỏ làm ba, ghét nhau ba bẩy bổ ra làm mười”, hay trong cụm từ “tam sao thất bản”…  Thật ra mấy lớp áo bên ngoài bị cắt thành các giải dài bên dưới thắt lưng mà Giáo sỹ Borri nhắc đến chỉ là cái xiêm cánh sen nghê thường, hoặc có nơi gọi là quầy bơi chèo, mà người xưa mặc trước ngực hay dưới thắt lưng bên ngoài áo dài. Trong Huế gọi là áo lá tua. Xiêm này có ba hoặc bốn lớp giải lụa may chồng lên nhau. Lớp giải trong cùng dài nhất, rồi các lớp bên ngoài ngắn dần. Các giải này ngày nay được đơn giản hóa bằng cách may thưa, nhỏ hơn, và dính liền ba bốn lớp với nhau như thỉnh thoảng vẫn còn thấy trong trang phục rước đình ở thôn quê miền Bắc, Trung Việt, và trong phục trang múa cung đình ở Huế. Bức tượng Ngọc Nữ tạc từ thế kỷ 17 ở chùa Dâu, là minh chứng rõ nhất cho cả áo dài, các giải cánh sen, lẫn cách vấn khăn mà giáo sỹ Borri đã mục diện từ bốn thế kỷ trước đây. Cái áo dài cũng như cách vấn khăn của bức tượng từ thời ấy cũng chẳng khác gì bây giờ.

Nhưng Giáo sỹ Borri cũng có nhắc đến cái áo mầu thâm của nam giới và sỹ tử lúc ấy giống như áo ngoài của các giáo sỹ đạo Công giáo thời bấy giờ. Nghĩa là giống như cái áo dài năm thân của thời đại về sau này. Ông cho biết phần lớn đàn ông Việt hồi đầu thế kỷ 17, nhất là giới sỹ tử, đều mặc một cái áo dài lụa hay lương mầu đen phủ ra ngoài các áo khác.

 

Áo dài năm thân Linh mục Công giáo (cuối thế kỷ 19)

Năm 1819, khi thuyền trưởng Mỹ John White đến thăm Sài Gòn, cách ăn mặc ở đây vẫn giống như giáo sỹ Borri đã thấy ở Thuận Quảng từ hơn hai thế kỷ trước đó. Ông White có nhắc đến một thiếu nữ 16 tuổi mặc quần lụa đen và cái áo may sát người dài đến mắt cá chân. Ông cũng cho biết rằng đàn ông, đàn bà Sài Gòn khi ấy ăn mặc giống nhau, với nhiều lớp áo dài khác mầu. Chiếc áo trong cùng dài đến mắt cá chân, rồi các áo ngoài ngắn dần…Tuy nhiên, giống như bây giờ, lối ăn mặc đỏm đáng kể trên chỉ dành cho tầng lớp phong lưu, thời thượng. Còn phục trang của đại đa số dân chúng thì nghiêm cẩn hơn với mầu thâm.

Áo dài ba thân

Cho đến đầu thế kỷ 20, tuyệt đại đa số áo dài phụ nữ thành thị ở Việt Nam đều may theo thể năm thân. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước, cho kín đáo. Tay áo may nối phía dưới khuỷu tay. Sở dĩ áo phải nối thân và tay như thế là vì các loại vải tốt như lụa, sa, gấm, đoạn tơ tằm ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 80 cm. Cổ, tay và thân trên áo dài phụ nữ thời ấy thường ôm theo người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo. Vạt rất rộng, trung bình là 80 cm ở gấu. Gấu của vạt trước của áo được cắt dài hơn vạt sau, và được may võng để phần giữa gấu không bị bụng và ngực áo kéo vồng lên khi mặc. Cổ áo chỉ cao khoảng 2 cm cho phái nữ, và 3 đến 4 cm cho nam giới. Nhưng phụ nữ Huế vẫn giữ cổ áo của họ cao  khoảng 3cm. Riêng ở miền Bắc từ thập kỷ 1910-1920, phụ nữ thích may thêm một cái khuyết phụ độ 3 cm bên phải cổ áo, và cài khuy cổ lệch ra đấy. Cổ áo như thế sẽ hở ra cho quyến rũ hơn, và cũng để khoe chuỗi hột trang sức quấn nhiều vòng quanh cổ, bên trong cổ áo.


Áo dài năm thân (năm tà) hoàng thái hậu (đầu thế kỷ 20)

Thủa ấy các vải áo mầu đậm được dùng nhiều nhất. Mùa Thu, Đông dùng các loại gấm đoạn, và Xuân, Hạ dùng sa, vân. Vì mầu nhuộm từ các chất liệu thiên nhiên của các loại vải ngày trước dễ phai, cho nên người xưa không giặt các áo dài may bằng vải đắt tiền, thường dùng làm áo ngoài. Các áo này chỉ được phơi nắng một năm mấy lần, rồi ướp thơm bằng trầm hay hương bài trong tráp gỗ. Phần nhiều áo dài ngày xưa đều may kép, tức là may có một lớp vải lót dính liền bên trong. Nhất là khi áo được may bằng vải mỏng, cho kín đáo. Áo kép này được mặc khoác lên cái áo dài thứ hai lót bên trong. Lớp áo lót bên trong thấm mồ hôi, vì thế được may đơn bằng vải mầu trắng để không sợ bị thôi mầu, dễ giặt. Hai lớp áo dài mặc cùng với cái áo cánh ở trong cùng tạo thành một bộ áo mớ ba.  

Quần may rộng vừa phải, khoảng 1 xích, tức là trên 30 cm, với đũng thấp. Thủa đó phần đông phụ nữ từ Nam ra Bắc đều mặc quần đen với áo dài, trong khi phụ nữ Huế lại chuộng quần trắng. Đặc biệt là giới thượng lưu ở Huế, cả nam lẫn nữ, hay mặc loại quần chít ba, nghĩa là dọc hai bên mép ngoài quần được may với ba lần gấp, để khi đi lại quần sẽ xòe rộng thêm. Đàn ông thường dân từ Bắc chí Nam luôn mặc quần trắng với áo dài, trừ trường hợp các lão ông, lão bà khi làm lễ thượng thọ thì mặc quần đỏ.
 

Hoàng thái tử Bảo Long với áo dài năm tà và quần chít ba dự lễ đăng quang Nữ hoàng Anh (London 1952)

Trong các thập niên 1930 và 1940, cách may áo dài vẫn không thay đổi nhiều, nhưng phụ nữ thành thị bắt đầu dùng các loại vải mầu tươi, sáng hơn, được nhập về từ Âu Châu. Cho đến lúc này gấu áo dài phụ nữ thường được may trên mắt cá khoảng 20 cm. Trong khi từ cổ chí kim vạt áo dài nam giới vẫn chỉ không dài quá đầu gối 10 cm. Từ đây, và tiếp tục cho đến gần cuối thế kỷ 20, thiếu nữ khắp nơi mặc quần trắng với áo dài. Quần đen để dành cho phụ nữ đã lập gia đình. Tuy nhiên phần lớn phái nữ thuộc mọi lứa tuổi ở Huế vẫn tiếp tục chỉ mặc quần trắng.

Một vài nhà tạo mẫu áo dài bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này, nhưng gần  như họ chỉ bỏ được phần nối giữa sống áo, vì vải phương Tây dệt được khổ rộng hơn. Tay áo vẫn may nối. Các họa sỹ Lê Phổ và Lê Thị Lựu đi tiên phong trong việc bỏ sống nối dọc giữa thân áo, và thu gọn bớt chiều rộng của vạt áo và tay áo. Áo dài ba thân bắt đầu từ đây.

Họa sỹ Lê thị Lựu trong áo dài ba thân


Áo dài Le Mur

Nhưng nổi nhất lúc ấy là họa sỹ Cát Tường ở phố Hàng Da, Hà Nội. Trong những năm cuối của thập niên 1930 ông Cát Tường tung ra các kiểu áo dài được ông Âu hóa, cả về mẫu dáng lẫn tên gọi, Le Mur (do ông tự dịch tên của mình ra tiếng Pháp). Áo Lemur vẫn giữ nguyên phần áo dài may không nối sống bên dưới. Nhưng cổ áo khoét hình trái tim với mũi nhọn đằng trước ngực hay sau lưng, và một cái nơ đính vào chỗ khoét nhọn đó. Có khi áo được may theo lối cổ lọ hay gắn thêm cổ bẻ. Vai áo may bồng, tay nối ở vai, và cũng có khi áo dài Lemur khoét hở đến giữa lưng và không có tay. Khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Quần của áo dài Lemur cắt ống loe rộng.

Áo dài Lemur Cát Tường (1940)

Trong bài báo đăng trên báo Phong Hóa năm 1938, họa sỹ Cát Tường cổ xúy việc phế bỏ cái cổ xây của áo dài. Ông viện dẫn rằng dù theo phong tục thì cổ phải che dấu, nhưng cái cổ áo dài nhỏ thế kia thì che được gì, mà lại vướng víu. Và tay áo cũng nên được cắt bỏ vì lý do tương tự. Vì thế mà áo dài Le Mur bị xem là táo bạo, và chỉ có giới nghệ sỹ hay thời thượng mới dám mặc. Cũng vì những tranh cãi khen chê mà áo dài Cát Tường có tiếng vang rộng. Nhưng chỉ đến khoảng năm 1945-47 thì loại áo này đã dần đi vào thất sủng.  

Mẫu tay áo (trái) và quần (phải) của áo dài Cát Tường (1938)


Những năm 1950s: áo dài ôm eo

Đến thập kỷ 1950 sườn áo dài bắt đầu được may có ôm eo, dù vẫn không xếp li. Các thợ may lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người. Thân áo sau hơi rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít li ở eo. Vạt áo cắt hẹp hơn. Thân áo trong, tức là thân áo thứ ba, hay còn gọi là vạt hò, được cắt ngắn dần từ giai đoạn ấy, rồi cuối cùng bị loại bỏ trong thập niên 1960. Cổ áo bắt đầu cao lên, trong khi gấu được hạ thấp xuống. Áo dài thời này cho đến đầu thập niên 1960 tà phải ôm, không hở quần, mới được cho là may khéo.

Áo dài ba thân nữ giới Hà Nội (giữa 1950)


Những năm 1960: Chít eo và tôn ngực

Áo dài được thay đổi nhiều nhất trong thập kỷ 1960. Vì nịt ngực ngày càng phổ biến hơn, nên áo dài bắt đầu được may chít eo, nhiều khi rất chật, để tôn ngực. Eo áo cắt cao lên hở cạp quần. Gấu áo lúc này vì hẹp cho nên có thể cắt thẳng ngang, và may dài gần đến mắt cá chân. Nhiều chị em trong miền Nam lúc ấy còn dùng dây gai quấn quanh bụng và xiết bụng lại cho nhỏ để mặc áo dài chít eo lưng ong.

Thắt eo lưng ong (trái, giữa) và áo dài cổ tròn (phải) (Sài Gòn đầu 1960)

Đầu năm 1961, trong buổi trình diễn thời trang áo dài đầu tiên của Việt Nam, vị đạo diễn phim ảnh nổi tiếng Thái Thúc Nha của Sài Gòn lúc bấy giờ tung ra một mẫu áo dài mới để giúp chương trình thêm phong phú. Bà Ngô Đình Nhu, chủ tọa danh dự của buổi trình diễn rất thích mẫu áo mới này. Ngoài cái cổ thuyền lần đầu tiên xuất hiện, bà còn thích cách cắt tay ngắn gọi là troa-ca (trois-quatre), tức là ba phần tư của cái áo mới. Bà nói mẫu áo này hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là với Tây Phương. Và bà muốn thấy cái áo mới này được phổ biến ngay. Tự thân bà Ngô Đình Nhu từ đấy cũng thường mặc loại áo cổ thuyền. Nhiều người sau đó còn may áo dài với cổ khoét tròn hay trái tim.

Tài tử Kiều Chinh ra mắt áo dài cổ thuyền (tháng 3-1961)


Cuối thập kỷ 1960: vai raglan, quần ống rộng

Rồi đến gần cuối thập kỷ 1960, để theo đúng thời trang váy ngắn quần loe của phong trào Hippy, áo dài mini của nữ giới trở thành thời thượng. Vạt áo bây giờ may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối. Áo may nới hơn, lúc ban đầu có xếp li ở eo. Nhưng các nhà thiết kế lúc đó thấy áo dài vạt ngắn mà có chít li trông cũn cỡn, phản mỹ thuật, cho nên chỉ một thời gian sau áo dài mini không chít eo nữa, nhưng vẫn giữ đường lượn một cách tương đối theo thân thể. Cổ áo thấp xuống còn 3 cm. Tay áo cũng được may rộng ra và ngắn hơn.
 

Áo dài mini vai chéo raglan với quần rộng và giầy platform cuối 1960 (ahvinhmghiem)

Đặc biệt là cũng trong khoảng gần cuối thập kỷ 1960 này, vai áo dài phụ nữ bắt đầu được cắt lối raglan để vai áo ôm hơn, nhăn ít, mà lại đỡ tốn vải. Tay áo dài từ đây được nối với thân từ vai chéo và áo dài từ đấy trở thành áo dài hai thân trọn vẹn. Trong khi đó áo dài phái nam vẫn luôn giữ cách nối tay cổ điển để vai áo vuông vức, nam tính hơn. Quần của áo dài phụ nữ khi ấy may rất dài với gấu rộng đến 60cm, và nhiều khi được lót hai ba lớp. May rộng như thế không phải theo mốt quần ống loe (patte-éléphant) chỉ rộng ra từ đầu gối của thời trang Hippy, hay của họa sỹ Cát Tường thủa xưa; mà quần được may rộng từ trên xuống. Phải may rộng như thế vì nếu quần vẫn may với ống tương đối hẹp như của vài năm trước đó, khi vạt áo dài vẫn còn dài gần đến mắt cá, thì áo dài vạt ngắn lúc này sẽ dễ bị lẫn với áo dài của người Hồi Quốc.

Cho đến lúc bấy giờ nữ giới Việt Nam khi ngồi xuống vẫn còn ý nhị vén vạt áo sau đặt lên đùi trước cho kín đáo, và để vạt áo khỏi nhăn, dù trong thời đại Hippy.

Một mẫu vẽ và thêu tay trên vạt áo dài mini của nhà thiết kế Thanh Khánh (Sài Gòn đầu 1970)

Từ thập kỷ 1970 đến 1990 áo dài không thay đổi nhiều lắm. Thỉnh thoảng cách mặc có đổi mới, thí dụ như quần với áo đồng mầu, nhưng không tạo ra được phong trào nào sâu đậm. Các nhà tạo mẫu áo dài bây giờ vẫn luôn nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra mẫu mới. Nhưng phần đông chỉ lo tìm cái gì cho khác người, hoành tráng, “không chạm hàng”, mà rất thường quên đi tính thẩm mỹ và sự tôn tạo nhân dáng tế nhị, là những yếu tố tạo ra phần hồn thiết yếu làm cho áo dài nổi tiếng bao lâu nay. Áo dài trông đơn giản thế, nhưng muốn biến đổi nó thêm về hình thức sẽ rất khó. Vì nó đã được hoàn thiện từ lâu lắm rồi.